Chính thức từ năm 2018, trừ ngành đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT không công bố điểm sàn chung theo các tổ hợp xét tuyển ĐH như mọi năm. Vậy không có điểm sàn, kiểm soát chất lượng giáo dục ĐH bằng gì?
Bỏ điểm sàn, ai sẽ kiểm soát chất lượng đào tạo?
GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết điểm sàn không còn ý nghĩa như trước đây thi 3 chung. Các trường ĐH cũng đã được tự chủ tuyển sinh. Những yếu tố để đánh giá chất lượng đào tạo của một trường ĐH thứ nhất là đội ngũ nhà giáo, thứ hai là cơ sở vật chất, thứ ba chuẩn đầu ra của các chương trình đào được đánh giá.
GS. Đặng Kim Vui khẳng định số liệu sinh viên ra trường có việc làm có thể nói là khó điều tra. Tuy nhiên, hiện nay, sinh viên và nhà trường đã có mối liên hệ chặt chẽ và chính xác hơn. Sinh viên vào trường có mã số, sau khi tốt nghiệp vẫn mã số đấy và có địa chỉ email nên trường vẫn liên lạc được. Còn qua doanh nghiệp thì cũng khó có cơ sở.
“Bỏ điểm sàn nên việc tuyển sinh phụ thuộc vào tiêu chí xác định tuyển sinh của từng trường, do ngưỡng của từng trường nên có sự khác nhau. Trường nào tuyển sinh ngưỡng đầu vào thấp thì cũng mất vị thế vì công khai trước toàn xã hội. Điểm sàn không ảnh hưởng lớn tới tuyển sinh của các trường vì thương hiệu đã được khẳng định” – GS. Đặng Kim Vui nói.
Hơn nữa, theo GS. Vui, Bộ yêu cầu bắt buộc các trường phải công bố chuẩn đầu ra. Nên một số sinh viên không ra được trường. Chuẩn đầu ra cũng bắt buộc các trường phải quan tâm đến chất lượng của mình.
Đồng quan điểm này, nhiều trường cho rằng Bộ bỏ điểm sàn thì ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu của các trường cũng không thấp hơn mức điểm sàn hàng năm của Bộ quy định.
Cần minh bạch thông tin
Bên cạnh ý kiến cho rằng điểm sàn không còn vai trò ý nghĩa đối với tuyển sinh hiện nay nhưng nhiều chuyên gia cũng không khỏi băn khoăn lo lắng. Việc tuyển sinh bằng học bạ THPT yêu cầu phải 5 điểm/môn khác với việc tuyển sinh bằng kết quả thi THPT đạt 3 điểm/môn.
Việc các trường ĐH đưa tỷ lệ sinh viên có việc làm cũng khiến dư luận xã hội nghi ngờ tính xác thực. Một chuyên gia cho hay, thực tế khi kiểm định chất lượng các trường mới biết được sự vênh nhau giữa báo cáo của trường và số liệu điều tra thực tế của đơn vị kiểm định. Có trường đưa ra con số trên 80% sinh viên có việc làm trong báo cáo tự đánh giá nhưng khi đoàn đánh giá ngoài điều tra thực tế thì con số này chỉ 50%.
Theo TS. Lê Trường Tùng Chủ tịch Hội đồng quản trị, trường ĐH FPT, việc Bộ yêu cầu các trường công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm chỉ là một yếu tố. Quan trọng vẫn là Bộ khống chế về chỉ tiêu của các trường, coi điều kiện giảng dạy là yếu tố để đảm bảo chất lượng. Nếu yêu cầu các trường khảo sát tỷ lệ sinh viên ra trường sẽ rất khó khăn và kết quả chưa chắc chính xác.
Chính vì vậy, TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh, mấu chốt là cần minh bạch thông tin để xã hội giám sát. Điểm sàn không còn ý nghĩa nhưng việc Bộ đưa ra những tiêu chí cứng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh vẫn nặng về quản lý hành chính đối với các trường ĐH.
Về vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, Bộ bỏ điểm sàn chung nhưng các trường phải tự đặt ngưỡng cho mình để đảm bảo chất lượng, giữ uy tín cho chính mình. Trường phải công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm và có sự tham gia giám sát của cả xã hội. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng cần đẩy mạnh khâu kiểm định chất lượng của các trường.
Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra chế tài, còn các trường phải công khai mức điểm tuyển sinh để xã hội kiểm soát. Trường nào lấy điểm quá thấp, chất lượng kém thì dần dần sẽ không có người học và bản thân người học khi tốt nghiệp ra trường cũng khó tìm việc làm. Như vậy, trường không thể phát triển được sẽ bị đóng cửa.
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét